Văn nghệ sỹ và trách nhiệm xã hội

- Những người nghệ sỹ không chỉ là những người sáng tạo nghệ thuật mà còn là những tấm gương, có ảnh hưởng đặc biệt đến công chúng và giới trẻ. Trong bối cảnh thông tin hiện đại, trách nhiệm xã hội và đạo đức của nghệ sỹ lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Truyền cảm hứng “sống đẹp”

Ca sỹ Hà Anh Tuấn là một trong những trường hợp hiếm của showbiz Việt khi có một lượng “fan khủng”, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Song hành với các hoạt động nghệ thuật, người ta còn biết đến Hà Anh Tuấn như một người miệt mài làm từ thiện tô đẹp cho đời. Từ các hoạt động đóng góp ủng hộ bão lũ, thiên tai, dịch bệnh đến dự án trồng rừng mang tên “Rừng Việt Nam” của anh đều truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Thậm chí, truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sỹ khác trong việc nâng cao trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội.

Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thăm hỏi, trao nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do bão, lũ tại xã Thái Hòa (Hàm Yên).

Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ đồng bào thiệt hại do cơn bão số 3 Yagi, Hà Anh Tuấn vừa đóng góp 1 tỷ đồng thông qua Trung ương đoàn để giúp đỡ người dân vùng bão lũ ổn định cuộc sống. Hành động này của anh đã được người hâm mộ hưởng ứng và chia sẻ lại câu nói gây “bão” mạng năm nào: “Dân chơi giờ phải khoe cứu được bao nhiêu người, chứ khoe cái xe, cái túi là lỗi thời rồi”.

Đạo đức của nghệ sỹ không chỉ thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật mà còn qua cách hành xử trong cuộc sống đời thường hàng ngày. Một người nghệ sỹ chân chính không chỉ biết nuôi dưỡng và phát triển năng khiếu nghệ thuật của bản thân mà còn giữ vững phẩm giá, tôn trọng khán giả, phát ngôn và hành xử đúng đắn, trân quý những giá trị đạo đức, văn hóa mà họ đang sở hữu và đại diện. Nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn là cầu nối giữa người với người, là kênh để truyền tải thông điệp yêu thương, nhân ái.   

Trước những thiệt hại to lớn của cơn bão Yagi gây ra với nhiều tỉnh, thành, mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam trên mạng xã hội Facebook, đội ngũ nhà văn toàn quốc đã tham gia quyên góp, ủng hộ hàng trăm triệu đồng đến bà con vùng lũ và thiên tai. Sáng 13-9, đoàn công tác của Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang đã đến thăm hỏi, trao hỗ trợ cho bà con xã Thái Hòa (Hàm Yên). Với 40 triệu đồng cùng 200 suất quà gồm các nhu yếu phẩm cần thiết dành tặng bà con vùng lũ, đó là sự sẻ chia chân tình, thiết thực nhất. Đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi văn nghệ sỹ đối với cộng đồng xã hội.

Hình thành giá trị niềm tin

Tối 12-9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công khai danh sách ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 Yagi với trên 12.000 trang sao kê, tổng số tiền quyên góp, ủng hộ lên tới trên 527,8 tỷ đồng. Trong số  những trang sao kê này, ngoài giao dịch quyên góp của người dân, cá nhân, tổ chức, nhiều quyên góp của các nghệ sỹ. Đó là những trường hợp chuyển khoản ủng hộ 100 nghìn đồng nhưng chỉnh sửa ảnh để thành 100 triệu đồng; ủng hộ 500 nghìn đồng nhưng cố tình che bớt số để làm sai lệch suy nghĩ của người xem; nhân danh tập thể nhưng số tiền chuyển khoản là 10, 20 nghìn đồng…

Một trường hợp ca sỹ nổi tiếng khác gây nhiều tranh cãi trong ngày vừa qua khi làm từ thiện ngay trong khu vực ít bị ảnh hưởng nhất của Hà Nội. Trong khi đó, những khó khăn, thiếu thốn của người dân vùng lũ, vùng bị sạt lở, nơi thực sự cần trợ giúp thì những món quà từ thiện lại không thể đến nơi. Lãng phí, làm trò cười, gây dậy sóng trên mạng xã hội là những gì mà nghệ sỹ có thể phải gánh chịu khi thiếu tỉnh táo, làm màu, phông bạt để xây dựng hình ảnh cá nhân.

Cộng đồng xã hội giờ tỉnh táo và ý thức hơn trong việc lựa chọn người để hâm mộ. Bên cạnh việc thưởng thức những giá trị nghệ thuật, các bạn còn là tấm gương phản chiếu đạo đức của từng nghệ sỹ. Coi thường nghề nghiệp, coi thường công chúng gây tác động xấu đến cộng đồng, không nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong xã hội… những người nghệ sỹ “làm màu”, “chiêu trò” sẽ dần dần bị đào thải. Ngược lại, những người nghệ sỹ mang lại giá trị tốt đẹp, hình thành những giá trị niềm tin bền vững trong cộng đồng sẽ ngày càng phát triển và được trân trọng hơn bao giờ hết.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình, văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân”. Đó cũng là yêu cầu đối với mỗi người nghệ sỹ trong giai đoạn hiện nay: Văn nghệ sĩ vừa phải có bản lĩnh, tầm nhìn, vừa có trình độ phát triển thực tiễn phù hợp với sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục